Hiện nay, loài cây thường xuất hiện nhiều trong sân vườn đặc biệt là ở hồ nước là cây thủy trúc. Lịch sử xuất hiện của loài cây này gắn liền với vùng đất Madagasca, phát triển và sinh trưởng rất tốt cho đến tận bây giờ tại thị trường Việt Nam. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Hoa Tươi Văn Nam để nắm bắt các thông tin về đặc điểm, sinh trưởng của loài cây mang ý nghĩa phong thủy trong nhà này nhé!
Đặc điểm của cây thủy trúc bạn đã biết chưa ?
Cây thủy trúc còn có tên gọi khác là cây lác dù, trúc ngược, xuất xứ từ vùng đất Madagasca ở Châu Phi, tên khoa học là Cyperus alternifolius, thuộc họ Cói. Thủy trúc là loại cây thủy sinh, thân thảo thường mọc thành bụi, chiều cao từ 0,5 – 1,5m.
Thân cây dạng tròn mảnh mai, mọc hướng lên trên, màu xanh đậm nhẵn bóng. Lá cây biến đổi dưới gốc là các bẹ, trên đỉnh là lá bắc dài xếp hình tròn độc đáo trông như chiếc dù hoa đẹp mắt. Hoa là những bông li ti xếp nổi trên lá bắc, màu sắc thay đổi theo trạng thái, từ màu trắng khi còn non chuyển sang màu nâu khi già.
Xem thêm: Cây Cau Tiểu Trâm – Loài Cây Mang Đến Tài Lộc Cho Gia Chủ
Công dụng của cây thủy trúc trong cuộc sống
Loại cây có hình dáng mảnh mai này có thể sinh trưởng tốt trong môi trường nước, sự xuất hiện của nó giúp lọc sạch nước, lắng cặn dễ dàng để giữ nước được trong. Bên cạnh đó, thủy trúc còn hấp thụ khí độc có mặt trong không khí nhằm mang lại không gian sống trong lành, an toàn.
Vì là cây thủy sinh và sinh trưởng tốt trong môi trường bóng mát nên thủy trúc thường dùng để tạo tiểu cảnh cho hồ nước trong hồ cá của sân vườn hay không gian quán cà phê sân vườn.
Ngoài ra, cây thủy trúc được trồng trong các chậu nhỏ hay bình thủy sinh để dùng trang trí bàn học, bàn làm việc nhằm khơi nguồn cảm hứng cho công việc. Cây còn trang trí trong nhà nhằm đem đến màu xanh sức sống cho cuộc sống. Đặc biệt, hình dáng mảnh mai của thủy trúc là một lợi thế lớn giúp cây này được ưu tiên sử dụng cho cắm hoa nghệ thuật.
Cách trồng và chăm sóc cây thủy trúc tại nhà
Thủy trúc sinh trưởng và phát triển rất tốt, không đòi hỏi điều kiện chăm sóc quá khắt khe, ít sâu bệnh. Thường xuyên cắt tỉa lá úa vàng để giữ vẻ mỹ quan cho hồ và nguồn nước. Chú ý lượng nước của hồ không quá cao để tránh tình trạng nước chạm lá gây vàng úng cho lá. Dưới đây là các điều kiện trồng và chăm sóc thủy trúc:
- Đất trồng: Thủy trúc sinh trưởng tốt trong mọi môi trường đất, từ đất khô hạn cho đến ngập úng, thậm chí nó có thể trồng được dưới bùn, môi trường nước.
- Ánh sáng: là cây ưa sáng nhưng cũng thích nghi tốt trong bóng râm, cây ưa độ ẩm cao.
- Nhiệt độ: biên độ nhiệt của thủy trúc có phổ rộng, kể cả nóng và lạnh đều phát triển bình thường, cây không có hiện tượng rụng lá vào mùa đông.
- Nước: Vì dễ thích nghi trong môi trường hạn hoặc ngập úng nên tưới nước cho cây là rất đơn giản. Rễ cây dạng chùm nhưng khả năng bám và hút nước khỏe.
- Bón phân: nếu trồng cây trong hồ nước bạn không cần bón quá nhiều phân, với hình thức trồng thủy sinh để trang trí nên thay nước hàng tuần cho cây.
- Nhân giống: cây nhân giống dễ dàng bằng phương pháp tách bụi là chủ yếu.
Trên đây là cách trồng và chăm sóc cây thủy trúc mà bài viết này muốn chia sẻ đến bạn. Thủy trúc có điều kiện sinh trưởng chăm sóc dễ dàng sẽ là lý tưởng cho bạn khi thử nghiệm trồng chậu thủy sinh cho không gian của mình. Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích thì hãy chi sẻ nó đến bạn bè và người thân của mình để họ cùng tìm hiểu nhé.